Home » Cơ sở lý luận về phát triển thị trường phái sinh hàng hóa – chính sách và giải pháp cho Việt Nam

Cơ sở lý luận về phát triển thị trường phái sinh hàng hóa – chính sách và giải pháp cho Việt Nam

Một nhóm nghiên cứu đã chọn đề tài “Cơ sở lý luận về phát triển thị trường phái sinh hàng hóa – Hàm ý chính sách và giải pháp cho Việt Nam” nhằm đưa ra các đề xuất để xây dựng và phát triển thị trường phái sinh hàng hóa tại Việt Nam.

  1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu.

Trong nền kinh tế thị trường, thị trường giao dịch phái sinh hàng hóa đóng vai trò ngày càng quan trọng khi thị trường giao dịch hàng hóa truyền thống còn tồn tại một số hạn chế trong chuỗi sản xuất, kinh doanh. Thị trường phái sinh hàng hóa với ưu điểm vượt trội như khả năng phòng ngừa rủi ro về giá, công cụ quản lý và giám sát doanh nghiệp hiệu quả, bổ sung thêm công cụ đầu tư cho các nhà đầu tư, thúc đẩy thị trường hàng hóa truyền thống phát triển và thúc đẩy cho đầu tư nông nghiệp sẽ là công cụ hữu ích để khắc phục những hạn chế còn tồn tại, từ đó, hướng tới cải thiện hiệu quả thị trường hàng hóa gắn với phát triển kinh tế Việt Nam.

Hiện nay, ở Việt Nam, thị trường giao dịch phái sinh vẫn còn chưa phát triển. Giao dịch phái sinh hàng hóa là loại hình đầu tư khá mới tại Việt Nam cả về nội dung lẫn hình thức đầu tư. Mặc dù được thành lập từ rất sớm nhưng các sàn giao dịch hàng hóa tại Việt Nam chỉ hoạt động cầm chừng và chưa thực sự hiệu quả. Nguyên nhân chính đến từ việc các Sàn giao dịch bị quản lý bởi các quy định chồng chéo của các bên liên quan như các Bộ, Ngân hàng nhà nước, doanh nghiệp.

  1. Mục tiêu nghiên cứu.

Nghiên cứu cơ sở lý luận thị trường phái sinh hàng hóa và đánh giá các tác động đến sự phát triển của nền kinh tế, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong việc phát triển thị trường phái sinh hàng hóa của một số quốc gia trên thế giới. Đồng thời đánh giá thực trạng thị trường giao dịch hàng hóa và các Sở giao dịch hàng hóa tại Việt Nam; và àm rõ định hướng và kiến nghị các giải pháp xây dựng và phát triển thị trường phái sinh hàng hóa ở Việt Nam.

  1. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu.

Cơ sở lý luận về thị trường giao dịch hàng hóa và thị trường phái sinh hàng hóa; Thị trường phái sinh hàng hóa tại một số quốc gia trên thế giới gồmTrung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Brazin từ khi thành lập đến năm 2018;Thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam từ năm 2009 đến năm 2018;Các sở giao dịch hàng hóa tại Việt Nam từ khi thành lập đến năm 2018.

  1. Kết quả nghiên cứu.
  • Đề tài đã hệ thống được cơ sở lý luận về thị trường phái sinh hàng hóa gồm khái niệm hàng hóa và thị trường giao dịch hàng hóa; lý luận về thị trường phái sinh hàng hóa và vai trò của thị trường phái sinh hàng hóa đối với nền kinh tế.

Trên thế giới hiện nay, hầu hết các thị trường phái sinh gồm 2 thị trường đan xen là thị trường phái sinh hàng hóa và thị trường phái sinh chứng khoán. Mô hình tổ chức quản lý tập trung được áp dụng tại các thị trường phái sinh hàng hóa lớn trên thế giới như Trung Quốc, Brazil và mới đây nhất là Ấn Độ. Sự phát triển của thị trường phái sinh ở Mỹ và Nhật bản có khác biệt đáng kể so với các thị trường trên.

Kinh nghiệm quốc tế về tổ chức giao dịch trên thị trường phái sinh cho thấy, sự phát triển thị trường phái sinh hàng hóa có quan hệ mật thiết đối với sự phát triển của thị trường hàng hóa của quốc gia. Các hàng hóa được sử dụng làm tài sản cơ sở cho các hợp đồng phái sinh và hàng hóa thông dụng được sử dụng làm tài sản cơ sở cho các sản phẩm phái sinh được phân theo các ngành: Nông nghiệp ( gạo, mía, cà phê, hạt tiêu…); Chăn nuôi (bò, lợn, gà…); Thủy sản ( cá, tôm…); Khoáng sản (quặng kim loại, kim loại màu…); Nhiên liệu (dầu chua, dầu ngọt…); Hàng hóa đặc thù (SREC, bitcoin).

Kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới cũng chỉ ra các điều kiện nhằm thiết lập và phát triển thị trường phái sinh hàng hóa gồm: điều kiện về đặc điểm của hàng hóa cơ sở; điều kiện về Sở giao dịch hàng hóa và hợp đồng phái sinh hàng hóa; điều kiện về vĩ mô và pháp lý.

  • Đề tài đã đánh giá được thực trạng thị trường hàng hóa và các sở giao dịch hàng hóa tại Việt Nam. Việt Nam và nhiều quốc gia áp dụng mô hình sàn giao dịch từ Mỹ, Anh, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản… song chưa chú trọng sáng tạo và địa phương hóa cho phù hợp với quốc gia mìnhViệt Nam có hàng hóa đa dạng và có thế mạnh nhất định trên thị trường xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp thế giới. Những mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn hơn 1 tỉ USD mỗi năm như cà phê (3,5 tỷ USD), gạo (3,1 tỷ USD), hạt điều (3,4 tỷ USD), cao su (2,1 tỷ USD) … Về vị trí xuất khẩu, nhiều năm liền Việt Nam đứng vị trí thứ nhất thế giới về tiêu, điều, đứng thứ hai thế giới về cà phê, gạo, đứng thứ tư thế giới về cao su. Những hàng hóa nông nghiệp này đều có thể làm tài sản cơ sở trong các giao dịch phái sinh hàng hóa. Tuy nhiên, chất lượng của hàng hóa Việt Nam chưa cao và kém đồng đều thường kém cạnh tranh hơn so với các nước khác sản xuất cùng loại hàng hóa.
  • Trên cơ sở nghiên cứu lý luận, thực tiễn, kết hợp với các bài học kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới, nhóm nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng và phát triển thị trường phái sinh hàng hóa tại Việt Nam. Các giải pháp được chia thành các nhóm, cụ thể:
  • Đề xuất ban hành Nghị định kết nối thị trường giao dịch hàng hóa cơ sở và thị trường phái sinh hàng hóa theo tinh thần của Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày 11/03/2014, trong đó tập trung vào việc quy định trách nhiệm của các đơn vị trong việc quản lý, giám sát và vận hành thị trường giao dịch hàng hóa, định hướng về lộ trình phát triển sản phẩm.
  • Đề xuất Sở Giao dịch Chứng khoán là đơn vị chủ động phát triển các hợp đồng phái sinh hàng hóa để phát triển các loại hình hợp đồng phái sinh đa dạng, phù hợp với đặc điểm giao dịch, xây dựng được mối liên hệ chặt chẽ giữa thị trường phái sinh hàng hóa và thị trường phái sinh tài chính.
  • Đề xuất trước mắt xây dựng sản phẩm phái sinh hàng hóa có tài sản cơ sở là nông sản cho thị trường Việt Nam, đồng thời nghiên cứu mở rộng các tài sản cơ sở, trong đó có vàng.
  • Nhà đầu tư, đào tạo nhà đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm, chia sẻ giải pháp, cung cấp các ấn phẩm hướng dẫn giao dịch và phân tích thị trường phái sinh hàng hóa; phát triển hệ thống thông tin về thị trường nhằm tránh hiện tượng bất cân xứng thông tin dẫn tới rủi ro cho nhà đầu tư tham gia thị trường.

Các giải pháp trên nếu được thực hiện một cách đồng bộ và triệt để, thị trường giao dịch phái sinh hàng hóa sẽ được hình thành, khắc phục những hạn chế tồn tại của thị trường giao dịch hàng hóa truyền thống, từ đó, hướng tới cải thiện hiệu quả thị trường hàng hóa gắn với phát triển kinh tế.

 

Tags: Kinh doanh

TradePress Australia


Số đăng ký 89383449985 được cấp bởi ASIC, địa 255 Sydenham Rd Marrickville

NSW 2204 Australia


Email: info@tradepress.net | Hotline: (+84) 932 886 865 – (+61 ) 452 091 683


© 2022 Bản quyền thuộc về TradePress Co., Ltd