Home » Giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, thu ngân sách giảm hơn 33.000 tỷ đồng

Giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, thu ngân sách giảm hơn 33.000 tỷ đồng

Để bình ổn giá xăng dầu trong nước, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua việc giảm thuế bảo vệ môi trường xuống mức sàn từ ngày 11/7/2022 đến ngày 31/12/2022.

(Kinhtemoitruong.vn) Để bình ổn giá xăng dầu trong nước, UBTV Quốc hội đã thông qua việc giảm thuế bảo vệ môi trường xuống mức sàn từ ngày 11/7/2022 đến ngày 31/12/2022. Theo đó, tổng giảm thu ngân sách trong năm 2022 khoảng 33.488 tỷ đồng.

Trong bối cảnh giá dầu thế giới và giá xăng dầu thành phẩm thế giới có xu hướng tăng liên tục dẫn đến giá xăng dầu trong nước tăng cao thời gian qua, cử tri nhiều tỉnh/thành phố trên cả nước đã kiến nghị miễn giảm các loại thuế được tính trong giá xăng dầu như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và miễn, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

Theo Bộ Tài chính, Luật thuế Bảo vệ môi trường không có quy định miễn loại thuế này. Thuế Bảo vệ môi trường là thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hoá khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường. Mục đích của sắc thuế này là hạn chế việc nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng các loại hàng hoá khi sử dụng gây ô nhiễm môi trường, khuyến khích sản xuất và sử dụng các hàng hoá thân thiện với môi trường, giảm phát thải ô nhiễm tại nguồn.

Trước đó, ngày 15/11/2010, Quốc hội đã thông qua Luật Thuế Bảo vệ môi trường và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012. Luật quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ tính thuế, khai thuế, tính thuế, nộp thuế và hoàn thuế Bảo vệ môi trường. Luật được ban hành có vai trò quan trọng trong việc tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, ổn định điều chỉnh toàn diện các hành vi tác động tiêu cực đến môi trường nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội, từ đó góp phần làm thay đổi hành vi của tổ chức, cá nhân, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Trong bối cảnh đó, để bình ổn giá xăng dầu trong nước, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua việc giảm thuế bảo vệ môi trường xuống mức sàn từ ngày 11/7/2022 đến ngày 31/12/2022.

Theo đó, tổng giảm thu ngân sách do việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2022 khoảng 33.488 tỷ đồng.

Trong thời điểm hiện tại, nhằm duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã đề ra các biện pháp nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới.

Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tiếp tục thực hiện nghiêm kế hoạch phân giao tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu tối thiểu đã được Bộ Công Thương phê duyệt năm 2022.

Đáng chú ý, trước tình hình nhiều cây xăng trên cả nước thông báo hết xăng hoặc bán cầm chừng với lý do thiếu nguồn cung, Bộ Công Thương đã thành lập 3 đoàn kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu trên phạm vi cả nước.

Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, thực hiện nhất quán, đúng quy định (trong việc tính toán, xác định, điều hành giá) tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ, các Thông tư hướng dẫn và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới. Ngoài ra, để giảm chi phí, bình ổn giá xăng dầu, Bộ Công Thương đã kiến nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường 02 lần, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng dầu và đang xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, với Quỹ bình ổn giá xăng dầu, khi giá xăng dầu giảm nhiều thì trích một phần đưa vào quỹ, khi tăng thì chi để giảm tác động của tăng giá xăng dầu.

“Nếu để giá xăng tăng đúng mức độ, không có quỹ bình ổn thì giá các mặt hàng sẽ tăng cao hơn. Quỹ bình ổn là quỹ tài chính không nằm trong ngân sách nhà nước, không hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận, toàn bộ quỹ được sử dụng để bình ổn giá xăng dầu trong nước”.

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng cần phải xây dựng được một thị trường kinh doanh xăng dầu thực thụ, cạnh tranh công bằng, bình đẳng, tự do. Điều này cũng có nghĩa Nhà nước không cần quản lý đầu vào – đầu ra, định giá, không cần quỹ bình ổn… nghĩa là giá cả theo cơ chế thị trường.

“Bộ Công Thương cần có chiến lược xây dựng một thị trường xăng dầu mang tính thị trường thực thụ, theo đúng kinh tế thị trường. Khi đó, các doanh nghiệp làm ăn với nhau lời ăn lỗ chịu, đàm phán mua bán theo hợp đồng. Bộ cũng cần ghi nhận, nắm bắt các phản hồi từ DN cũng như thực tiễn của thị trường để từ đó có những điều chỉnh cho phù hợp”, ông Thịnh chia sẻ.

Chiều ngày 5/9, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã điều chỉnh giá xăng dầu, ở kỳ điều hành này, lần đầu tiên giá dầu hỏa và dầu diesel tiếp tục tăng mạnh, trong khi giá xăng giảm.

Cụ thể, dầu diesel tăng 1.430 đồng/lít lên 25.180 đồng/lít; dầu hỏa tăng thêm 1.390 đồng lên 25.440 đồng/lít. Hiện giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 23.359 đồng/lít và xăng RON 95 là 24.230 đồng/lít. Như vậy, đây là kỳ điều chỉnh đầu tiên đưa giá dầu diesel vượt giá xăng trong khi trước đây mặt hàng này bao giờ cũng thấp hơn giá xăng vài nghìn đồng.

Từ đầu năm đến nay, giá mặt hàng dầu đã qua 23 lần điều chỉnh, trong đó có 15 lần tăng, 8 lần giảm. Hiện, giá dầu diesel đã tăng gần 7.000 đồng/lít so với đầu năm, tương đương tăng 38,12%; trong khi xăng RON 95 và E5 RON 92 đã giảm về mức ngang với đầu tháng 1 năm nay.

Tags: Hàng hóa

TradePress Australia


Số đăng ký 89383449985 được cấp bởi ASIC, địa 255 Sydenham Rd Marrickville

NSW 2204 Australia


Email: info@tradepress.net | Hotline: (+84) 932 886 865 – (+61 ) 452 091 683


© 2022 Bản quyền thuộc về TradePress Co., Ltd