Theo Sở Công Thương TP.HCM, trên địa bàn chỉ có 2/550 cửa hàng ngưng hoạt động do sửa chữa trong thời hạn 15-30 ngày, do đó nguồn cung xăng dầu cho người dân vẫn đáp ứng đủ.
Ngày 15/9, Sở Công Thương TP.HCM đã có cuộc họp với lãnh đạo các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, đại lý bán lẻ xăng dầu về tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn.
Ông Ngô Hồng Y, Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương TP.HCM cho biết tính đến 15/9, trên địa bàn thành phố có tổng cộng 550 cửa hàng xăng dầu, 15 thương nhân nhập khẩu, 60 đơn vị kinh doanh phân phối và một đại lý…
Ông nói: “Hiện TP.HCM có 2/550 cửa hàng ngưng hoạt động do sửa chữa trong thời hạn 15-30 ngày tùy tình hình thực tế. Với số lượng cửa hàng bán lẻ đang hoạt động vẫn đảm bảo cung cấp đủ xăng dầu cho người dân trên địa bàn thành phố.”
Tại cuộc họp, nhiều doanh nghiệp cho rằng mức chiết khấu dành cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tối thiểu phải đạt 1,000-1,500 đồng/lít để không bị thua lỗ, phá sản. Một số doanh nghiệp cũng kiến nghị được phép đăng ký mua hàng của nhiều đầu mối thay vì chỉ 2 đầu mối như hiện nay để tránh tình trạng đứt gãy nguồn cung.
Lãnh đạo Sở Công Thương cho biết đã nắm được thông tin các cơ sở pháp lý cũng như các đề xuất của doanh nghiệp. Tuy nhiên những đề xuất này không thuộc thẩm quyền của Sở Công Thương và TP.HCM, nên Sở sẽ tổng hợp ý kiến và báo cáo Bộ Công Thương có hướng xử lý trong thời gian tới.
Ông Ngô Hồng Y, Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương TP.HCM. Ảnh: T.N.
Trước đó, báo cáo với UBND TP.HCM, Sở Công Thương đề nghị UBND TP.HCM đề xuất Bộ Công Thương xem xét, phản ánh chi phí, phụ phí xăng dầu trong nước (từ nhà máy lọc dầu về tới kho của doanh nghiệp đầu mối) vào cơ cấu giá bán lẻ, nhằm phản ánh đúng chi phí thực tế và đảm bảo tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở hiện hành.
Khoảng 2 tháng trở lại đây, nhiều đại lý bán lẻ xăng dầu đang phải chật vật vì không đủ nguồn cung trong khi mức chiết khấu bằng 0, thậm chí âm tới 500-1,000 đồng/lít. Đơn cử, ngày 14/9, chiết khấu tại Bắc Ninh xăng 0 đồng, dầu 400 đồng/lít; tại Tây Ninh, Bến Tre 0 đồng…
Đánh giá về chi phí kinh doanh định mức (chi phí lưu thông) của doanh nghiệp xăng dầu hiện nay, ông Huỳnh Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho rằng mức chi phí này ở Việt Nam hiện ở mức thấp, chỉ chiếm 5-7% giá cơ sở và không đủ cho doanh nghiệp trang trải trong bối cảnh lạm phát như hiện nay, trong khi con số này ở Singapore là 27%.
Mới đây, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cũng đã có văn bản yêu cầu yêu cầu thương nhân đầu mối, phân phối phải chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống cho các khách hàng một cách hợp lý để bảo đảm không gián đoạn việc cung ứng xăng dầu cho thị trường.
—
Nguồn: Vietstock.vn
Trích dẫn & Biên tập: TradePress Team