Mua bán xăng dầu tại một cửa hàng của Petrolimex ở Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
(Vietstock.vn) Quyền Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam mong muốn chính sách về xăng dầu hiện tại sẽ được duy trì hết quý 2/2023 để doanh nghiệp có thời gian cải thiện hiệu quả hoạt động và dự phòng được rủi ro.
Tại Toạ đàm “Biến động giá dầu và Kịch bản ứng phó cho ổn định và phát triển” tổ chức sáng 8/9/2022, tại Hà Nội, ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư cho biết trong bối cảnh các nền kinh tế đang tăng tốc mạnh mẽ, cộng thêm những bất ổn địa chính trị, giá xăng dầu đã từng tăng lên mức cao vượt xa mọi dự đoán.
Mặc dù hiện tại giá nhiên liệu có phần giảm, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy giá nhiên liệu sớm được bình ổn, viễn cảnh tăng giá vẫn đang ở trước mắt.
Vậy, biến động giá xăng dầu đã tác động như thế nào đến kinh tế trong nước và cần có kịch bản ứng phó với những biến động này để giữ vững mức tăng trưởng ổn định, bền vững.
Hỗ trợ giá nguyên liệu
Sau những hệ lụy do đại dịch COVID-19 tới nhiều mặt kinh tế-xã hội, tình trạng biến động giá xăng dầu gần đây tiếp tục tác động trực tiếp tới thu nhập, chi tiêu và đời sống của người dân cũng như doanh nghiệp do giá thành sản xuất và phân phối sản phẩm hàng hóa và dịch vụ tăng cao, làm tăng CPI.
Ông Lương Văn Khôi, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội quốc gia, cho biết tình hình kinh tế vĩ mô 8 tháng cho thấy ổn định vĩ mô được giữ vững, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo.
CPI tháng 8 tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 8 tháng tăng 2,58%, tương đương cùng kỳ các năm 2018-2021.
Cùng với đó, giá lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng giảm nhẹ; đảm bảo nguồn cung điện, xăng dầu, kịp thời chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các cửa hàng bán lẻ xăng dầu hoạt động không đúng quy định, chủ động phương án điều hành, tạo dư địa hỗ trợ giá xăng dầu trong trường hợp cần thiết.
Ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp điều hành ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ doanh nghiệp và đã thu được một số kết quả tốt.
Tuy nhiên, để có thể thích ứng với chi phí xăng, dầu tăng, ngoài việc điều chỉnh giá bán một số sản phẩm cho phù hợp, doanh nghiệp cũng nên triển khai thực hiện đồng thời một số giải pháp như: tận dụng, tiết kiệm nguyên vật liệu ở mức tối đa nhằm có thể giảm bớt một phần chi phí, tăng cường quản lý, giám sát quá trình sản xuất kinh doanh chặt chẽ hơn, hạn chế thất thoát.
Bên cạnh đó, đàm phán với đơn vị vận chuyển (xe thuê ngoài) để không tăng cước vận chuyển quá cao; tìm kiếm thêm các nhà cung cấp nguyên vật liệu khác để có chất liệu tốt, giá thành biến động ít nhất; đồng thời, đầu tư cải tiến dây chuyền để cải thiện môi trường làm việc và tăng năng suất để hạn chế chi phí đội giá thành sản phẩm.
Với vai trò là trung gian giữa bên mua và bên bán, ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Tổng Giám đốc, Sở giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết trên thế giới, các doanh nghiệp xăng dầu thường dùng các công cụ bảo hiểm giá, thông qua các hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn, để chốt giá nhập khẩu, xuất khẩu theo chu kỳ vài tháng, thậm chí vài năm.
Điều này khiến giá đầu vào và đầu ra được ổn định, và khi giá biến động, họ có nhiều “room” để điều tiết thị trường hơn.
“Tôi kỳ vọng chúng ta sẽ sớm đồng bộ các chính sách của các bộ, ban, ngành, để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có thể tự tin sử dụng các công cụ bảo hiểm giá một cách hiệu quả. Với tư cách là hội viên của Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, các doanh nghiệp trong hiệp hội quan tâm rất lớn tới các công cụ bảo hiểm giá này, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc về mặt cơ chế để có thể thực hiện một cách hiệu quả,” ông Dũng nhấn mạnh.
Ông Bùi Ngọc Bảo, Quyền Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết Hiệp hội đánh giá rất cao trong giai đoạn giá dầu thế giới tăng mạnh, Chính phủ đã có ngay giải pháp hỗ trợ, bình ổn giá nguyên liệu. Đây là giải pháp đã giúp các doanh nghiệp trong Hiệp hội Logistics rất nhiều.
“Chúng tôi mong muốn các chính sách về xăng dầu hiện tại sẽ được duy trì hết quý 2/2023, để các doanh nghiệp tiếp tục có thời gian cải thiện hiệu quả hoạt động bằng nhiều biện pháp và dự phòng được rủi ro cho các hoạt động liên quan tới biến động giá nhiên liệu,” ông Bảo cho hay.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có nỗ lực trong việc chuyển dịch năng lượng, sử dụng các thế hệ tàu mới ecoship – đáp ứng các yêu cầu năng lượng xanh, giảm thiểu phát thải. Tuy nhiên, việc thay đổi công nghệ, đầu tư tàu ecoship đòi hỏi chi phí ban đầu cao.
Do đó, cần phải có các giải pháp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho phát triển bền vững và dài hạn.
Giải pháp dài hạn
Đối với các dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt, đường không, đường biển, thì chi phí dành cho logistic là 16,8% giá trị hàng hoá – đây là con số rất lớn. Với doanh nghiệp, chi phí logistic có thể lên tới 60-65%.
Chi phí nhiên liệu với doanh nghiệp vận tải chiếm 30-40% trong cơ cấu giá thành. Khi giá nhiên liệu tăng 10-15%, giá vận tải sẽ phải gia tăng tương ứng.
Ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logitics Việt Nam, Phó Tổng giám đốc Công ty Hàng hải Việt Nam cho biết biến động giá nhiên liệu sẽ tác động trực tiếp tới kết quả kinh doanh.
Dù trong hợp động có điều khoản liên quan tới giá vận tải, nhưng công ty không thể thay đổi giá vận tải nhanh chóng như biến động giá nhiên liệu trên thị trường. Thực tế, biến động giá dầu đặt ra thách thức với các doanh nghiệp trong Hiệp hội Logistics.
Ông Trung cho biết thêm trong giai đoạn giá cước vận tải quốc tế tăng 5-6 lần, cùng với đứt gãy chuỗi cung ứng quốc tế, Công ty Hàng hải Việt Nam thực hiện 2 giải pháp chính.
Đó là, liên quan tới vấn đề kỹ thuật, khi giá nhiên liệu tăng, các doanh nghiệp vận tải điều chỉnh lại công tác quản trị và định mức. Trong một số trường hợp, sử dụng tới việc điều chỉnh tốc độ tàu để giảm tiêu thụ nhiên liệu.
Tiếp đến là các biện pháp thương mại, các đơn vị doanh nghiệp logistic ngoài tìm kiếm lợi nhuận, còn có vai trò hỗ trợ hàng hoá lưu thông và không để xuất nhập khẩu quá mạnh.
Doanh nghiệp sử dụng các phương án kinh doanh linh hoạt hơn, tìm kiếm giải pháp thay thế như kết nối đường sắt, xây dựng các tuyến đường kết nối trực tiếp.
Chia sẻ những bài học kinh nghiệm ứng phó trong bối cảnh bất ổn về nguồn cung và về giá xăng dầu trên thế giới, ông Kenya Maeda, chuyên gia cao cấp Bộ phận Thương mại và Cung ứng dầu thô cho biết, để duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định đối với khía cạnh an ninh năng lượng (ngay cả trong thị trường mà không có triển vọng ổn định trong tương lai), phải thúc đẩy toàn bộ chuỗi cung ứng đối với các sản phẩm xăng dầu, từ thu mua các nguyên liệu đầu vào, sản xuất đến bán hàng và tiêu dùng.
Từ góc nhìn của cơ quan lập pháp của Việt Nam về xu hướng giá dầu đến hoạt động kinh doanh của nền kinh tế nói chung và khối doanh nghiệp nói riêng, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết hoạt động dầu khí có nhiều rủi ro, có tính quốc tế, cần quan tâm đến thông lệ quốc tế.
Luật Dầu khí (sửa đổi) chỉ điều chỉnh các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí – hoạt động thượng nguồn dầu khí, còn các hoạt động trung nguồn và hạ nguồn của ngành dầu khí, như lọc hóa dầu, sản xuất phân bón và sản xuất điện, được điều chỉnh bằng các luật khác.
Theo ông Hiếu, bối cảnh thị trường và điều kiện đất nước cho thấy, việc đồng bộ Luật Dầu khí (sửa đổi) với các quy định của luật khác là cần thiết. Ví dụ để xây dựng một đường ống dẫn khí, phải chiếu theo nhiều luật khác như: Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng…
“Do đó, các quy định trong dự án luật nên theo hướng cho phép thực hiện các dự án thăm dò, khai thác dầu khí theo chuỗi, tránh một việc phải trình nhiều cơ quan, bộ ngành, tránh xung đột về pháp lý,” ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.